Lịch sử Sầm Sơn

Các mẹ nồng nhiệt đón các con tập kết ra Bắc.Con tàu Kilinski của Ba Lan chở cán bộ, bộ đội và thiếu nhi miền Nam tập kết ra Bắc. Do nước cạn nên không thể vào sâu trong cảng, bắt buộc các thuyền nhỏ phải áp sát mạn thuyền đưa người vào trong bờ.Quân dân miền Nam tập kết tại Cảng Hới.Bia tưởng niệm tại cảng cá Lạch Hới về sự kiện dân quân miền Nam tập kết ra Bắc.

Trước thế kỷ 20, thành phố Sầm Sơn chưa xuất hiện trên bản đồ địa lý Việt Nam, vùng đất này thuộc huyện Quảng Xương và chỉ có dãy núi Gầm án ngữ phía Nam vùng đất mà ngư dân đi biển quen gọi là Mũi Gầm, sau dần dần đổi thành núi Sầm (Sầm Sơn), địa danh này cũng còn được gọi là núi Trường Lệ (làng chân núi này cũng gọi là Làng Núi hay làng Trường Lệ). Từ năm 1907, người Pháp đã nhận thấy và bắt đầu khai thác giá trị du lịch của bãi biển Sầm Sơn để xây dựng thành nơi nghỉ mát phục vụ người Pháp và vua quan Triều Nguyễn. Đây là thời điểm đánh dấu sự ra đời của du lịch Sầm Sơn.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954). Được sự chỉ đạo của Trung ương ĐảngBác Hồ. Tại cảng Lạch Hới xã Quảng Tiến (nay là phường Quảng Tiến), Sầm Sơn được giao nhiệm vụ là điểm tập kết đón đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (ngoài ra còn tập kết ở Cửa Hội, Nghệ An). Ngày 28/10/2014, tại phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm sự kiện này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Sầm Sơn vào tháng 7 năm 1960.Sầm Sơn năm 1905.

Trước Cách mạng tháng Tám (năm 1945), vùng đất Sầm Sơn thuộc tổng Giặc Thượng, sau đổi là Kính Thượng, rồi Cung thượng, tổng này gồm các xã:

  • Xã Lương Niệm có 4 thôn là: Sầm Thôn (tên nôm là làng Núi), Lương Trung (làng Giữa), Cá Lập (làng Trấp), Hải Thôn (làng Hới).
  • Xã Triều Thanh Lộc có 3 thôn là: Triều Dương (làng Triều), Thanh Khê (làng Vạn), Lộc Trung (làng Trung).
  • Xã Bình Tân (còn gọi là Hải Lộc) có một thôn là Bình Tân (làng Bến).

Sau Cách mạng tháng Tám, vùng đất Sầm Sơn được đặt tên mới là xã Lương Niệm, thuộc huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá.

Tháng 6 năm 1946, xã Lương Niệm được chia làm 2 xã: Sầm Sơn và Bắc Sơn. Xã Sầm Sơn gồm làng Núi (Sầm Thôn) và làng Giữa (Lương Trung); xã Bắc Sơn gồm làng Trấp, làng Hới, làng Trung, làng Triều, làng Vạn, làng Bến.

Tháng 11 năm 1947, sáp nhập 2 xã Sầm Sơn và Bắc Sơn thành xã Quảng Tiến thuộc huyện Quảng Xương.

Tháng 6 năm 1954, xã Quảng Tiến được chia thành 4 xã: Quảng Tiến, Quảng Cư, Quảng Tường và Quảng Sơn.

Ngày 19 tháng 4 năm 1963, Hội đồng Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ra Quyết định số 50/CP thành lập thị trấn Sầm Sơn bao gồm khu nghỉ mát Sầm Sơn và xã Quảng Sơn.

Thị xã Sầm Sơn chính thức được thành lập ngày 18 tháng 12 năm 1981 theo Quyết định số 157-HÐBT trên cơ sở tách thị trấn Sầm Sơn và 3 xã: Quảng Tường, Quảng Cư, Quảng Tiến và xóm Vinh Sơn (xã Quảng Vinh) thuộc huyện Quảng Xương[1].

Ngày 29 tháng 9 năm 1983, thành lập 2 phường: Bắc Sơn và Trường Sơn trên cơ sở giải thể thị trấn Sầm Sơn[5].

Ngày 6 tháng 12 năm 1995, chuyển xã Quảng Tường thành phường Trung Sơn.

Ngày 8 tháng 12 năm 2009, chuyển xã Quảng Tiến thành phường Quảng Tiến[6].

Từ đó, thị xã Sầm Sơn có 4 phường và 1 xã.

Ngày 23 tháng 4 năm 2012, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 378/QĐ-BXD công nhận thị xã Sầm Sơn là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Thanh Hóa[3].

Ngày 14 tháng 5 năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 935/NQ – UBTVQH13 về việc mở rộng địa giới hành chính thị xã Sầm Sơn trên cơ sở sáp nhập thêm 6 xã: Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh, Quảng Minh, Quảng Hùng, Quảng Đại thuộc huyện Quảng Xương[7].

Ngày 27 tháng 2 năm 2017, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có Quyết định số 105/QĐ-TTg công nhận thị xã Sầm Sơn mở rộng là đô thị loại III.[8]

Ngày 19 tháng 4 năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 368/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập các phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh thuộc thị xã Sầm Sơn và thành phố Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa[2]. Theo đó, chuyển 4 xã: Quảng Châu, Quảng Cư, Quảng Thọ, Quảng Vinh thành 4 phường có tên tương ứng và chuyển thị xã Sầm Sơn thành thành phố Sầm Sơn.

Thành phố Sầm Sơn có 44,94 km² diện tích tự nhiên và 172.350 nhân khẩu với 11 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 8 phường và 3 xã. Như vậy, Sầm Sơn là thành phố có diện tích nhỏ nhất hiện nay tại Việt Nam.